Điện thoại của các nguyên thủ quốc gia việc bảo mật thông tin là rất quan trọng, phải miễn nhiễm với mọi hacker chuyên nghiệp nhất và các tổ chức gián điệp. Cùng xem, nguyên thủ các nước sử dụng điện thoại gì?
Đức
Chiếc điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cực kì nổi tiếng trong giới chính trị gia khi người ta phát hiện ra NSA đã theo dõi cuộc gọi của bà Merkel. Tuy nhiên, vị Thủ tướng của nước Đức đang sử dụng ít nhất 2 chiếc điện thoại, một là mẫu điện thoại từng bị theo dõi - chiếc Nokia 6260 Slide, chiếc còn lại chính là mẫu BlackBerry Z10. Tất nhiên, chiếc Z10 này đã được gài một con chip được mã hóa riêng của Secusmart.
Mỹ
Một trong những cuộc chiến đầu tiên của Tổng thống Barack Obama khi ông nhậm chức năm 2009 là giữ cho bằng được chiếc BlackBerry yêu quý của mình, bất chấp sự phản đối từ các cố vấn luật. “Tôi sẽ giữ bằng được chiếc BlackBerry của tôi. Họ đang muốn lấy nó khỏi tay tôi”, ông từng chia sẻ vào thời điểm đó.
Sau đó, vị Tổng thống của Hoa Kì đã được toại nguyện với chiếc BlackBerry đã được tăng cường bảo mật. Chỉ một số ít các quan chức của Nhà trắng và người thân của Tổng thống được phép giữ địa chỉ email cá nhân của ông. 3 tháng trước, ông chia sẻ: “Vì lí do an ninh, tôi không được phép sở hữu một chiếc iPhone”.
Pakistan
Tại một đất nước mà những số điện thoại khác thường được mua bán như những báu vật, không ngạc nhiên khi những nhân vật có địa vị cao tại Pakistan mang theo ít nhất 2 chiếc smartphone cao cấp. Nawaz Sharif - vị Thủ tướng 3 nhiệm kì của Pakistan - đang sử dụng cả điện thoại Samsung và iPhone. Thiết bị kém thời trang nhất của ông là một chiếc BlackBerry Bold. Sharif dùng nó để liên lạc với gia đình và các đồng minh thân cận của mình.
Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin vốn nổi tiếng với việc không sử dụng điện thoại cá nhân, trái ngược hoàn toàn với Thủ tướng Dmitry Medvedev - người được xem là fan cuồng của Apple và là một trong những người đầu tiên sở hữu iPhone 4 do Steve Jobs tặng.
Theo các báo cáo, Putin được cho là sở hữu rất nhiều điện thoại hồi năm 2006 nhưng không sử dụng bất cứ sản phẩm nào, do không có thời gian và một phần ông muốn dùng các phương thức liên lạc khác. Đến năm 2010, ông xác nhận không dùng điện thoại: “Nếu tôi có một chiếc điện thoại, có lẽ nó sẽ đổ chuông suốt cả ngày”.
Vị Tổng thống của nước Nga cũng luôn tránh xa mạng Internet và chỉ cập nhật thông tin từ các điệp viên của mình.
Pháp
Tổng thống Pháp François Hollande sử dụng một chiếc iPhone 5. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiếc điện thoại sử dụng cho mục đích cá nhân.
Phục vụ mục đích công việc, người đứng đầu nước Pháp sử dụng một chiếc điện thoại Teorem siêu bảo mật. Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông là Nicolas Sarkozy đã từ chối sử dụng sản phẩm này, bởi ông phải mất 30 giây để quay số khi muốn thực hiện cuộc gọi.
Triều Tiên
Những thông tin đầu tiên về chiếc điện thoại của Kim Jong-un xuất hiện đầu năm 2013, khi người ta chụp được ảnh một chiếc smartphone trên bàn làm việc của ông. Theo phân tích, đó có thể là một chiếc HTC.
Vị lãnh đạo tối cao của Triều Tiên là một trong số 2 triệu người sử dụng điện thoại tại đất nước 25 triệu dân này. Triều Tiên cũng có những thương hiệu điện thoại riêng nhưng toàn bộ trong số đó đều được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó gắn logo nhà sản xuất nội địa. Những mẫu điện thoại nước ngoài cũng được bán ở nước này, nhưng có giá siêu đắt. Hầu hết smartphone của Triều Tiên đều sử dụng một mạng 3G duy nhất có tên Koryolink, mặc dù những người ở sát biên giới Trung Quốc có thể bắt sóng được mạng bên ngoài.
Italy
Thủ tướng Italy Matteo Renzi không chỉ là một người dùng iPhone thông thường, ông còn là một fan cuồng của "táo khuyết". Khi Steve Jobs qua đời, ông đã tri ân trên trang Facebook, gọi Jobs là Leonardo da Vinci của thời đại.
Anh
Thủ tướng Anh David Cameron cũng không chịu từ bỏ chiếc điện thoại BlackBerry của mình. Hiện tại, BlackBerry vẫn được xem là mẫu điện thoại có khả năng bảo mật tốt nhất, sau khi đã được nâng cấp. Tuy nhiên, 2 ông lớn làng di động là Apple và Samsung cũng đang muốn chen chân vào dịch vụ bảo mật.
Theo Người Đưa Tin