iPhone đứng ngoài tình trạng thiếu chip toàn cầu
Theo nghiên cứu mới đây, tình trạng thiếu chip toàn cầu ảnh hưởng đến iPhone của Apple ít hơn so với các thương hiệu khác.
Cụ thể, ổ chức nghiên cứu Counterpoint Research đã hạ thấp ước tính về doanh số smartphone toàn cầu trong năm nay. Ban đầu, dòng sản phẩm này được dự tính đạt 1,45 tỷ chiếc vào năm 2021 với mức tăng 9% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip đã khiến Counterpoint đã cắt giảm xuống còn 1,41 tỷ đơn vị với tốc độ tăng trưởng 6% so với năm 2020. Sự thiếu hụt chất bán dẫn bắt đầu trở thành một vấn đề trong quý 4 năm ngoái và tới nay chưa được cải thiện.
Lượng chip tồn kho của các nhà sản xuất đang chạm đáy và trong quý 2 vừa qua, nhiều công ty cho biết chỉ nhận được 80% số lượng linh kiện được đặt hàng. Tình trạng trở nên xấu hơn khi quý 3 vừa qua, các công ty chỉ nhận được 70% số lượng linh kiện được đặt hàng.
90% ngành công nghiệp điện thoại thông minh bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip
Counterpoint Research tuyên bố, 90% ngành công nghiệp smartphone bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt. Mặc dù các thành phần như DDI - Display Driver IC và PMIC (power management integrated circuits) đang thiếu nguồn cung nhưng việc lên kế hoạch dự trữ đã giúp ngành công nghiệp tiếp tục phát triển. Ngoài ra, việc tích trữ Bộ xử lý ứng dụng (AP - Application Processors) và cảm biến camera đã cho phép các nhà sản xuất tiếp tục duy trì.
Tom Kang, Giám đốc Nghiên cứu tại Counterpoint Research cho biết, "sự thiếu hụt chất bán dẫn ảnh hưởng đến tất cả các thương hiệu trong hệ sinh thái. Samsung, Oppo, Xiaomi đều đã bị ảnh hưởng và chúng tôi đang hạ dự báo của mình. Nhưng Apple là hãng có khả năng phục hồi tốt nhất và ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu AP. " Tuy nhiên, phía Counterpoint không giải thích lý do cho điều này.
Là khách hàng lớn nhất của xưởng đúc lớn nhất thế giới, Apple chắc chắn được TSMC đối xử đặc biệt. Ví dụ, bắt đầu từ tháng 1, TSMC đã tăng 20% giá chip nhưng chỉ tăng 3% cho Apple. Apple chiếm tới hơn 20% doanh thu của TSMC nhưng chưa đến 20% lợi nhuận.
Theo thông báo của TSMC vài tuần trước, chip A16 Bionic của iPhone 14 2022 sẽ được sản xuất bằng bởi quy trình 4nm và nếu các vấn đề liên quan đến độ phức tạp của quy trình 3nm được giải quyết kịp thời, A17 Bionic trong iPhone 15 có thể là chip 3nm đầu tiên trên smartphone.
Năm nay, chip A15 Bionic trên "gia đình" iPhone 13 có rất ít cải tiến so với A14 Bionic do nhiều kỹ sư từ các đơn vị thiết kế của Apple rời công ty. Số lượng bóng bán dẫn trên A15 Bionic đã tăng 27% lên 15 tỷ so với 11,8 tỷ trên A14 Bionic và 8,5 tỷ trên A13 Bionic.
Doanh thu iPad và MacBook bị ảnh hưởng
Trong khi iPhone ít bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chip, Apple đã thừa nhận doanh số iPad và MacBook cũng bị ảnh hưởng trong quý 2. Trong bản báo cáo thu nhập quý 2, CEO “Nhà Táo” - Tim Cook khẳng định: "Sự thiếu hụt chủ yếu ảnh hưởng đến Mac và iPad. Dự kiến, mức suy giảm doanh thu có thể lên tới từ 3 - 4 tỷ USD."
Trong khi các nhà sản xuất khác phải điều chỉnh lịch trình ra mắt sản phẩm do thiếu chip, Google cũng buộc phải hạn chế việc tung ra Pixel 5a tầm trung ở Mỹ và Nhật Bản. Hiện giới công nghệ không rõ liệu Google có phải trì hoãn việc phát hành dòng Pixel 6 cao cấp hay không.
Theo Trần Vy (Dân Việt)