Trong khi iOS là một thể thống nhất, được cập nhật đồng loạt thì hệ điều hành của Google bị phân mảnh nặng, khó kiểm soát được việc nâng cấp phần mềm.
Android M, hệ điều hành phiên bản tiếp theo cho smartphone và máy tính bảng đã chính thức được Google giới thiệu tại hội nghị I/O 2015. Trên nền tảng mới, "gã tìm kiếm khổng lồ" mang đến một loạt nâng cấp như tìm kiếm theo ngữ cảnh, quản lý quyền truy cập, kéo dài tuổi thọ pin. Tuy nhiên, điều người dùng cần nhất vẫn chưa xuất hiện, bởi Android M có thể mãi mãi không chạy trên thiết bị của họ.
|
Việc chậm chạp cập nhật hệ điều hành là điều khiến người dùng Android phàn nàn.
|
Cây bút Dan Graziano của trang Cnet cho biết, sau khi Android 5.0 Lollipop phát hành được 6 tháng, smartphone của ông vẫn chưa nhận được bản nâng cấp này. Trong khi đó, cách làm của Apple hoàn toàn khác khi đồng loạt tung cập nhật iOS mới cho tất cả các thiết bị hỗ trợ, dù người dùng đang ở đâu và sử dụng dịch vụ của nhà mạng nào. Tính đến hiện tại, Apple đã bán được khoảng 700 triệu chiếc iPhone, ngay cả iPhone 4S ra mắt từ 2011 cũng được nâng cấp lên iOS bản mới nhất. Điều này có nghĩa là hàng trăm triệu chiếc điện thoại của Apple có thể được lên đời cùng thời điểm.
Với Microsoft, dù thị phần Windows Phone còn hạn chế nhưng hãng đã quyết định học theo cách làm của Apple. Trong thông báo của mình, Microsoft tuyên bố, tất cả các thiết bị chạy Windows 8/8.1 sẽ được nâng cấp lên Windows 10, kể cả dòng sản phẩm giá rẻ như Lumia 520, Lumia 530.
Thật đáng tiếc, Google không đi theo con đường này. Mặc dù là hệ điều hành cho các thiết bị di động với thị phần lớn nhất thế giới nhưng quá trình cập nhật phần mềm cho các smartphone, máy tính bảng Android diễn ra khá phức tạp.
Khi có phiên bản mới, Google sẽ chuyển cho các thành viên trong liên minh Open Handset Alliance (OHA) với hơn 80 công ty thành viên. Tiếp theo, mỗi nhà sản xuất sẽ dựa trên đó để tinh chỉnh mã nguồn cho thiết bị của mình. Chẳng hạn Samsung thêm vào giao diện TouchWiz, bổ sung một số tính năng tùy từng thiết bị. Tương tự với HTC dùng giao diện Sense UI, LG, Sony hay Motorola. Với những nhà sản xuất sử dụng một bản phần mềm hoàn toàn khác (nhưng vẫn dựa trên Android) như Xiaomi, Amazon... quá trình tùy biến còn diễn ra phức tạp hơn.
Nếu điện thoại của bạn là bản quốc tế, không bán thông qua bất kỳ nhà mạng nào, quá trình "xào nấu" Android đến đây là tạm kết thúc. Tuy nhiên, với các sản phẩm khóa mạng thì còn thêm bước nữa, các nhà mạng phải kiểm tra tính tương thích, thêm các tùy biến hay phần mềm khác. Điều này giải thích vì sao cùng là model Galaxy S5 nhưng của nhà mạng này đã có nâng cấp Android 5.1, trong khi đó của nhà mạng kia vẫn không thấy phiên bản mới.
Người dùng có thể phải chờ đợi trong nhiều tháng, nửa năm, thậm chí là lâu hơn để được nâng cấp. Vì vậy, đến khi bạn lên đời Android thì cũng là lúc Google phát hành phiên bản mới hơn. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại và người dùng bị mặc kẹt trong sự chờ đợi mà không có cách nào thoát ra.
|
Nhiều thiết bị không bao giờ được nâng cấp phiên bản mới dù bán ra chưa lâu.
|
Vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn khi người dùng chọn mua những thiết bị mà không được các nhà sản xuất quan tâm. Nhiều hãng di động chẳng màng cập nhật cho các sản phẩm phổ thông, không phổ biến, dù những model này bán ra chưa đầy một năm. Chẳng hạn chiếc HTC Desire 820 ra mắt tháng 9/2014 nhưng đến nay vẫn chưa được lên Android 5.0 Lollipop và chuyện được cập nhật Android M còn là dấu hỏi lớn hơn.
Những người yêu thích Android đưa ra lý lẽ cho việc cập nhật chậm chạp của Google bằng cách tìm điểm xấu của đối thủ. Bản nâng cấp iOS 8.0.1 đã khiến nhiều khách hàng sở hữu iPhone không thể truy cập mạng di động, Apple đã phải ngừng phát hành và đưa ra bản khắc phục sau đó. Tuy nhiên Android cũng có nhiều lỗi, với vô số lời phàn nàn trên các diễn đàn công nghệ.
Gốc rễ của vấn đề này là Android thì đa dạng còn iOS là một thể thống nhất. Tất cả iPhone đều do Apple sản xuất, dĩ nhiên rồi, còn Android thì từ vô số các công ty lớn nhỏ khác nhau. Ngay cả Windows Phone với sự tham gia của một số nhà sản xuất nhưng cơ bản là giao diện và tính năng giống nhau.
Về phía Google, họ cho phép các hãng điện thoại được phép tùy chỉnh sâu, bao gồm cả giao diện và thay đổi trải nghiệm người dùng. Khẩu hiệu của Google với Android là "cùng nhau, nhưng khác biệt", phần nào nói lên chính sách này.
Nhận thức được vấn đề của Android là sự phân mảnh, Google đã đưa ra sáng kiến để khắc phục từ năm 2011, tuy nhiên cho đến nay họ chưa ghi nhận được kết quả đáng kể nào. "Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các nhà mạng để đảm bảo rằng người dùng Android có những trải nghiện an toàn và nhanh trên các thiết bị của họ", đại diện Google cho biết.
|
Thị phần các phiên bản Android.
|
Theo bảng thị phần các phiên bản, Android Lollipop được phát hành từ tháng 11/2014 nhưng đến đầu tháng 6/2015 mới có 10% thiết bị được cài đặt. Trong khi đó tính đến đầu năm nay đã có trên 2/3 máy iPhone chạy iOS 8 hoặc phiên bản mới hơn.
Nếu người dùng chọn Android nhưng muốn sớm được cập nhật phiên bản mới, họ nên mua các thiết bị đầu bảng như Galaxy S6 hay LG G4 để nhanh chóng được nâng cấp. Lựa chọn khác là các máy dòng Nexus, "con đẻ" của Google. Còn nếu bạn thích "vọc" máy thì hay thử những bản "ROM" tùy chỉnh được công đồng các nhà phát triển tung ra. Dĩ nhiên khi chọn cách này, bạn cũng phải sẵn sàng chấp nhận sự cố trong quá trình trải nghiệm, brick (điện thoại bị khóa) hay vi phạm chính sách bảo hành.
Hơn tất cả, Google cần thay đổi từ bên trong bằng cách tạo áp lực lên các nhà sản xuất, các nhà mạng để họ sớm đưa ra bản cập nhật cho thiết bị. Ví dụ, Google đưa ra quy định một thiết bị Android của thành viên OHA phải được hỗ trợ phần mềm trong ít nhất 2 năm và bản cập nhật phải đến tay người dùng trong vòng 30 ngày kể từ khi phát hành.
Chính sự cởi mở của Google đã thúc đẩy Android bùng nổ, nhưng cũng đặt họ vào cuộc chiến khó khăn trong việc quản lý so với Apple hay Microsoft. Và trong câu chuyện này, khách hàng vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.
Đình Nam